Cỗ lá Yên Bái – Vị sơn cước không thể chối từ

Ghé thăm Khu du lịch nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe Đại Phú An vào những ngày cơ thể dường như chẳng còn sức sống, bạn sẽ không chỉ được hòa mình vào không gian sự tươi mát của thiên nhiên, nhẹ nhõm của dược liệu mà còn được thưởng thức vị ngon của núi rừng. Bên trong vô số những hương vị mới lạ ấy, Cỗ lá Yên Bái xuất hiện như một bữa cơm đơn sơ miền sơn cước, không chỉ thấm đẫm hương vị của núi rừng mà còn trọn vẹn cả cái tình của con người nơi đây.

Cỗ lá Yên Bái- Mâm cỗ mang hương vị núi rừng

Cỗ lá là gì? Hiểu đơn giản đây là một bữa cỗ được bày biện trên lá. Đây là nét văn hóa ẩm thực sơ khai có nguồn gốc từ người Mường. Món ăn đặc biệt này thường chỉ xuất hiện trong những dịp trọng đại. Ví dụ như lễ tết, cưới xin hay đãi khách quý tới nhà.

Tuy phong tục làm cỗ lá đã trải rộng khắp các tỉnh Tây Bắc nhưng vẫn có sự khác biệt. Trong khi các tỉnh như Phú Thọ thường sử dụng tương ớt để chấm, khá tương tự người Kinh. Thì các tỉnh như Yên Bái lại dùng muối hạt dổi đậm đà, mang hương vị của núi rừng.

Cỗ lá là sự kết hợp công phu giữa cỗ và phần lá

Lá dùng để bày cỗ phải là lá chuối rừng được cắt từ sớm tinh sương. Ngoài ra còn phải có tàu dày, mềm, dai và xanh. Sau khi hái về lau sạch hơ trên lửa cho dẻo. Đây cũng chính là bí quyết tạo ra hương thơm ngai ngái đậm chất núi rừng của cỗ lá.
Người Tây Bắc dùng mâm để bày cỗ là vật liệu gỗ tạo hình tròn, không dùng kim loại. Ở Đại Phú An, Cỗ Lá được bày trên những chiếc mẹt tre nhỏ xinh. Mỗi mâm xếp một ngọn lá, và một mang lá ở trung tâm, tượng trưng cho đất và rừng. Phần ngọn của mang lá được coi là biểu tượng của sự giao hòa giữa trời và đất.

Nguyên liệu – bí quyết giúp Đại Phú An tạo nên một mâm cỗ đặc sắc trên lá

Lợn mán

Nguyên liệu chính cho mâm Cỗ Lá có thể là gà, lợn, bò, trâu… Nhưng phổ biến nhất vẫn là lợn Mán. Đây là giống lợn lửng đặc trưng của vùng cao, thường chỉ nặng 15 – 30kg, được bà con nuôi thả trên đồi núi, quanh năm chỉ ăn ngô, khoai, cây cỏ… nên thịt chắc, ít mỡ, bì giòn, có vị thơm ngọt tự nhiên…

Gà nhiều cựa

Bên cạnh lợn Mán, gà cũng được dùng để làm nguyên liệu chính. Tuy nhiên, không phải gà nào cũng được chọn mà chỉ có gà nhiều cựa – loại gà đặc biệt được nhắc đến trong truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh. Chúng được bà con nuôi theo hình thức bán hoang dã nên chậm lớn. Thông thường phải nuôi mất một năm mới đạt 1,2-1,5 kg nên rất ngon, chắc thịt.

Cá nướng

Lợn gà có thể thế chỗ cho nhau nhưng món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ lá đó là cá suối nướng. Cá được người dân bắt ngoài những con suối tự nhiên. Sau đó nướng trên bếp than vàng ruộm, thịt ngọt ngon khó cưỡng.

Và các nguyên liệu khác

Cỗ Lá cũng không thể thiếu xôi. Xôi nếp gạo nương được đồ chín tới, gói vuông vức trong tàu lá chuối đã hơ lửa cho mềm. Xôi vừa thơm, vừa dẻo. Vào những ngày lễ hội lớn, người dân thường đồ xôi ngũ sắc với năm màu xanh – đỏ – tím – vàng – trắng đẹp mắt.

Bên cạnh thịt, mâm Cỗ Lá còn có thêm các món phụ trợ từ rau đồ. Đó là các loại rau như: đốm đắng, hoa chuối, cà dại, lá lốt, tầm bóp… rửa sạch, thái nhỏ và trộn với nhau đồ trong khoảng 20-30 phút. Sau đó lấy ra chấm với lòng cá hoặc muối gừng ngọt cay. Người Tây Bắc quan niệm, rau đồ không bị mất nước như rau luộc nên vẫn giữ được độ ngọt đặc trưng. Đây cũng là vị thuốc quý cho cơ thể.

Cuối cùng là gia vị. Hạt dổi sau khi nướng trên than hồng được giã nát. Sau đó trộn với muối và mắc khén vừa rang tạo nên hương vị quyến rũ đặc trưng. Gia vị này làm Cỗ Lá thêm đậm đà, hấp dẫn.

Cỗ lá của Đại Phú An có gì đặc biệt?

Có thể nói mâm cỗ “lá” của Đại Phú An là một nét mới lạ bên cạnh văn hóa ẩm thực chữa bệnh tại Khu nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe. Sự đặc sắc của mâm cỗ nhìn có vẻ mộc mạc, đơn giản này lại bao hàm sự tinh tế trong cách sắp xếp và thể hiện món ăn của người đầu bếp. Gắp một miếng thịt vẫn còn hôi hổi, cuộn tròn trong một miếng lá bưởi rừng trước khi phết một chút mắc khén vừa rang. Vị ngọt của thịt lợn bản hòa cùng vị cay nhẹ của lá bưởi cùng hương thơm nồng nàn của mắc khén sẽ giúp bạn cảm nhận được sự hài hòa của ngũ vị, vừa miệng đến tròn trịa.

Nếu có dịp đến với Đại Phú An, thưởng thức mâm Cỗ Lá với những món ngon dân dã đậm đà, bạn sẽ cảm nhận được hết ý nghĩa và vẻ đẹp dung dị nơi đây, cùng với không gian thiên nhiên núi rừng hùng vĩ, con người mộc mạc, chân thành… chắc chắn bạn sẽ có những trải nghiệm đẹp không thể nào quên.

Xem thêm:

ĐẾN ĐẠI PHÚ AN NÊN ĂN GÌ – TIPS CỰC HAY VỀ ẨM THỰC NHẤT ĐỊNH KHÔNG ĐƯỢC BỎ LỠ

ĐẠI PHÚ AN – ĐIỂM DỪNG CHÂN LÝ TƯỞNG TRÊN HÀNH TRÌNH DU LỊCH TÂM LINH TÂY BẮC