[Khám phá] Đền Đông Cuông – Cội nguồn của Tín ngưỡng thờ Mẫu

Chiêm bái Đền Đông Cuông – Cội nguồn của Tín ngưỡng thờ Mẫu

Là cội nguồn của Tín ngưỡng thờ Mẫu tại Việt Nam, Đền Đông Cuông là một trong những địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng nhất của vùng Tây Bắc. Những kinh nghiệm du lịch trong bài viết dưới đây có thể giúp bạn thuận lợi tới chiêm bái đền Đông Cuông và có thêm nhiều lựa chọn nghỉ ngơi thú vị sau đó.

Đền Đông Cuông nằm ở đâu?

Đền Đông Cuông trước khi được trùng tu lại

Đền Đông Cuông là ngôi đền cổ nằm bên dòng sông Hồng thuộc địa phận thôn Bến Đền, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Đền cách thành phố Yên Bái 55km về phía Tây Bắc.

Di chuyển tới thăm lễ Đền Đông Cuông

Từ Hà Nội sẽ có khá nhiều cách để di chuyển tới Đền Đông Cuông:

Di chuyển bằng phương tiện cá nhân: Từ Hà Nội đi theo đường Cầu Nhật Tân. Đi vào cao tốc Hà Nội – Lào Cai (chặng đường này có mất phí cầu đường). Tại nút giao 14 đi về phía bên phải rẽ khỏi đường cao tốc vào ĐT 166. Đi theo ĐT 163 đến đền Đông Cuông. Thời gian di chuyển khoảng 3 tiếng với 193km. Đây là quãng đường di chuyển tới Đền Đông cuông ngắn và tiết kiệm thời gian nhất.

Di chuyển bằng tàu hỏa: Bạn mua vé chặng Hà Nội – Ga Mậu A. Xuống tàu, bạn bắt xe tới đền Đông Cuông cách đó khoảng 14km. Thời gian di chuyển dự kiến là 5h.

Di chuyển bằng xe khách, xe giường nằm: Du khách có thể mua vé tại bến Giáp Bát, Bến xe Mỹ Đình và điểm dừng tại bến xe Mậu A tại Văn Yên. Sau đó, bạn tiếp tục bắt xe đi đến Đền cách đó khoảng 14km.

Đền Đông Cuông Thờ ai

Đền Đông Cuông là một trong những ngôi đền linh thiêng nằm ven sông Hồng. Đây cũng là một trong các điểm du lịch tâm linh nổi tiếng nhất của vùng Tây Bắc.

Đền thờ chính Mẫu Đệ Nhị Thượng ngàn trong tục thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Tại đền Đông Cuông, hình tượng Mẫu Thượng ngàn cai quản 81 cửa rừng có sự pha trộn, chồng lớp bởi rất nhiều truyền thuyết ở các thời đại khác nhau. Theo truyền tụng, đây vốn là một ngôi miếu nhỏ thờ thần núi, thần rừng. Ngôi miếu này trở thành đình vào thời Lê và đến triều Nguyễn thì đổi thành đền.

Đền Đông Cuông là cội nguồn của Đạo Mẫu Việt Nam

Theo ghi chép của Lê Quý Đôn trong “Kiến văn tiểu lục”: Ngôi miếu này thờ Đông Quang công chúa nổi tiếng anh linh, giúp dân lập bản lập mường, dạy dân bách nghệ, chữa bệnh, cứu đói. Vào đời vua Lê Thái Tổ đã phong bà là Lê Mại Đại Vương, sau khi bà phù hộ cho vua Lê đánh tan giặc. Đền Đông Cuông còn có tên là đền Thần Vệ quốc theo sắc phong của triều đình Nguyễn.

Đền Đông Cuông được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian nhận định là vùng khởi nguồn của Mẫu Thượng ngàn trong hệ thống thờ Mẫu của người Việt. Và có vị trí cực kỳ quan trọng trong hệ thống thờ đạo Mẫu, được coi là cội nguồn của Mẫu Thượng Ngàn.

Hàng năm, cứ xuân thu nhị kỳ, vào đầu năm bắt đầu từ tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch và cuối năm vào từ tháng 8 đến hết tháng 12 âm lịch, các thanh đồng trên mọi miền đất nước thường về đền Đông Cuông để lễ Mẫu và “bắc ghế hầu Thánh”.

Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ nói chung và thờ Mẫu Thượng ngàn nói riêng trong sinh hoạt tín ngưỡng dân gian đã xuất hiện từ lâu đời ở Văn Yên, tồn tại và có sức sống lâu bền trong nhân dân, nhất là khi “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Những năm gần đây, đền Đông Cuông là điểm nhấn tâm linh tín ngưỡng của đông đảo nhân dân và du khách thập phương trong hành trình du lịch văn hóa tâm linh, nhớ về nguồn cội.

Mỗi năm có tới hàng trăm ngàn lượt du khách từ khắp các tỉnh, thành trong nước hành hương tìm về đền Mẫu Đệ Nhị Thượng ngàn dâng hương kính Mẫu, vãn cảnh đền và cầu nguyện cho quốc thái dân an, cầu lộc, cầu tài, cầu bình an trong cuộc sống.

Năm 2000, Sở Văn hóa Thông tin, Bảo tàng tỉnh Yên Bái (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái) lập hồ sơ trình tỉnh xếp hạng Di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh có diện tích trên 17.600m2.

Ngày 22/01/2009 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận đền Đông Cuông, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái là Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia.

Độc đáo kiến trúc Đền Đông Cuông

Ngày nay, Đền Đông Cuông được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian nhận định có vị trí cực kỳ quan trọng trong hệ thống thờ Đạo Mẫu, được coi là vùng khởi nguồn của Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Đệ nhị trong Tam Tòa Thánh Mẫu.

Ông Vũ Ngọc Ứng – Ủy viên Ban quản lý di tích đền Đông Cuông cho hay : “Đền Đông Cuông là cụm di tích gồm 4 điểm: Ngoài đền chính còn có miếu Cô, miếu Cậu và miếu Đức Ông tọa lạc bên hữu ngạn sông Hồng đối diện với ngôi đền chính. Đền và khu vực đền có liên quan đến đền Ngọc Tháp và Đền Hùng (Phú Thọ). Trong đền chính có cung cấm thờ 2 ngôi tượng. Sau cung Mẫu có cung Chúa, bên phải là cung Sơn Trang, bên trái thờ Trần Triều. Cấu trúc nhà đền còn có miếu Thần linh và động Sơn trang. Đây là ngôi đền cổ đến nay vẫn giữ được bản sắc dân tộc và nét văn hóa của người Tày Khao Đông Cuông”.

Đền Đông Cuông mang dáng dấp kiến trúc đền chùa thời Lý Trần với mái ngói cong và hình lưỡng long chầu nhật. Các cột đền làm bằng gỗ tứ thiết được sơn son thếp vàng hình rồng cuốn trang nghiêm. Trên các đầu dư, đầu bẩy, xà ngang, cốn nách, câu đầu… được trạm khắc tỷ mỷ hình tứ linh và hoa lá. Các bức trạm khắc tinh vi đạt trình độ cao cả về kỹ thuật phục chế và mỹ thuật.

Khuôn viên của đền được mở rộng, cây xanh toả bóng mát sum xuê, điểm xuyết những vạt rừng đào, rừng mận đang mùa hoa nở rộ. Mặt đền quay về hướng Nam, địa thế tựa vào hình sông thế núi với cảnh sắc thiên nhiên hữu tình đẹp như bức tranh thuỷ mặc. Con đường dốc độc đáo chạy từ phía Đông lên đền uốn mình quanh co mềm như dải lụa vắt ngang lưng chừng núi khiến khung cảnh càng thêm thâm nghiêm, tĩnh mịch.

Với tín ngưỡng thờ mẫu và các anh hùng có công với đất nước, đền Đông Cuông mang ý nghĩa giáo dục truyền thông lịch sử, văn hoá sâu sắc. Đây là di tích lịch sử văn hoá lâu đời, điểm du lịch văn hoá, sinh thái lý tưởng dành cho du khách trong chuyến hành hương về nguồn.

Lưu ý khi thăm đền Đông Cuông

Sắm lễ khi đến Đền Đông Cuông

Theo phong tục từ xa xưa. Khi đến Đình, Đền, Miếu, Phủ nên mang lễ vật. Lễ vật có thể to hoặc nhỏ, ít hoặc nhiều nhưng quan trọng nhất vẫn là phải có tâm. Lễ chay như hương, hoa quả, oản để đang hương cũng được, bạn cũng có thể mua tại nơi thờ Thánh Mẫu.

Lễ Chay: trong lễ chay bạn cần chuẩn bị hương hoa, trà, quả, phẩm oản… để dùng khi lễ ban Phật, Bồ Tát. Lễ chay cũng thường được dùng để dâng ban Thánh Mẫu.

Lễ Mặn: đồ trong lễ mặn bao gồm đồ chay có hình gà, lợn, giò, chả…

Việc chuẩn bị lễ cũng không cần quá cầu kỳ và quan trọng bởi sự thành tâm.

Văn khấn lễ

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.

Con kính lạy đức chúa Thượng Ngàn đỉnh thượng cao sơn triều mường Sơn tinh công chúa Lê Mại Đại Vương Ngọc điện hạ.

Con kính lạy Đức Thượng Ngàn chúa tể Mị Nương Quế Hoa công chúa tối tú tối linh, cai quản ba mươi sáu cửa rừng mười hai cửa bể.

Con kính lạy chư tiên, chư thánh chư thần, Bát bộ sơn trang, thập nhị tiên nương, thánh cô thánh cậu, Ngũ hổ Bạch xà Đại tướng.

Hương tử con là: ……………………………

Ngụ tại: …………………………………………..

Nhân tiết ………. chúng con thân đến …………. phủ chúa trên ngàn đốt nén tâm hương, kính dâng lễ vật, một dạ chí thành, chắp tay khấn nguyện, cúi xin lượng cả bao dung, thể đức hiếu sinh ra tay cứu vớt, độ cho chúng con cùng cả gia quyến bốn mùa được chữ bình an, tám tiết hưng long thịnh vượng, lộc tài quảng tiến, công việc hanh thông, giải vận giải hạn, biến hung thành cát, đổi họa ra tường, như ý sở cầu, tòng tâm sở nguyện.

Giãi tấm lòng thành, cúi xin chứng giám.

Cẩn tấu.

Trải nghiệm gì ở Đền Đông Cuông

Độc đáo lễ hội Đền Đông Cuông

Lễ hội đền Đông Cuông là lễ hội văn hóa tâm linh, ẩn chứa nhiều nét văn hóa độc đáo và cổ kính.

Hàng năm, cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, lễ hội đền Đông Cuông lại được tổ chức vào ngày Mão đầu tiên của năm mới với phần lễ được tổ chức tại đền Mẫu đúng với nghi thức truyền thống như: đón ông Mo về đền, lễ mổ trâu trắng tế thần, lễ rước kiệu Mẫu sang sông, lễ dâng hương.

Tế thần bằng lễ hiến sinh trâu trắng được mổ thịt bằng cách treo ngược lên gốc mít cổ thụ trước ngôi đền vào giữa giờ tý (0h). Thủ nhang xem hướng chỉ của chân trâu đã chết để đoán thời tiết trong năm (như quay hướng bắc thì mưa nhiều, nam thì nắng lắm, phía tây mùa màng không được thuận lợi …). Thủ nhang đền lấy tiết trâu đựng vào 12 chén được dâng lên mẫu, nửa còn lại đem ra bãi cát sát mép sông làm nghi lễ hiến sinh tạ ơn trời, đất, sông, núi và các quan binh của thời đại đánh giặc bảo vệ Tổ quốc. Sau đó hoà tiết trâu vào sông Thao, dòng sông mẹ thiêng liêng chuyển đến các thần linh thượng hưởng, che chở cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, muôn dân no đủ.

Phần hội của lễ hội Đền Đông Cuông luôn được tổ chức rất đa dạng và mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc. Có rất nhiều trò chơi liên tục được tổ chức như: đẩy gậy, kéo co, vật dân tộc, ném còn, đu tiên, đua thuyền…

Nhiều hoạt động Tín ngưỡng thờ Mẫu truyền thống

Trong Di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu tại đền Mẫu Đông Cuông nói riêng, có một nghi lễ hết sức đặc biệt là nghi lễ chầu văn – hầu đồng. Đây là một nghi thức tín ngưỡng thực hành đặc trưng nhất của đạo Mẫu. Hàng năm bắt đầu từ tháng Giêng đến tháng 3 Âm lịch và cuối năm vào từ tháng 8 đến hết tháng 12 Âm, các thanh đồng trên mọi miền đất nước thường về đền Đông Cuông để lễ Mẫu và “bắc ghế hầu Thánh”.

Đền Đông Cuông còn tổ chức 1 lễ hội cơm mới vào tháng 9 âm lịch. Lễ hội này sẽ có rất nhiều hoạt động thú vị và ý nghĩa nhằm giới thiệu tới du khách về Đạo Mẫu của Việt Nam.

Một số dịch vụ tâm linh ở gần Đông Cuông

Sau đến lễ bái tại Đền Đông Cuông, du khách cũng có thể lựa chọn tiếp tục đến một số địa điểm du lịch tâm linh khác tại Yên Bái.

Chùa Ngọc Am

Chùa Ngọc Am

Chùa Ngọc Am thường còn được gọi là chùa Am. Chùa tọa lạc ở đường Thanh Niên, phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái. Đây là một trong những ngôi chùa nổi tiếng của Yên Bái và thuộc hệ Bắc Tông.

Đền Tuần Quán

Đền Tuần Quán nằm trong quần thể di tích lịch sử của thành phố Yên Bái. Đây là một ngôi đền cổ có từ thế kỷ XIV thời nhà Lê. Lâu nay, Đền Tuần Quán là điểm cúng lễ, cầu an lành của tín đồ phật tử thập phương.

Khu Di Tích Mộ Nguyễn Thái Học

Khu Di tích Mộ Nguyễn Thái Học có diện tích khoảng 10.391m². Nơi đây bao gồm khu lăng mộ, khu tượng đài, bia tưởng niệm, khu nhà đón khách. Ngày 5/3/1990, nơi này đã được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia. Du khách đến đây có thể thắp hương tưởng niệm và ngắm nhìn khung cảnh của khu vực di tích.

Nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe sau khi chiêm bái Đền Đông Cuông

Sau hành trình du lịch tâm linh chiêm bái Đền Đông Cuông, Resort Đại Phú An chính là một điểm dừng chân lý tưởng. Nơi đây chỉ cách Đền Đông Cuông khoảng 15 phút đi xe nên rất thuận tiện cho du khách.

Không chỉ là một nơi nghỉ dưỡng đơn thuần, Đại Phú An mang tới cho du khách rất nhiều những hoạt động chăm sóc sức khỏe đa dạng.

Khu Nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe Đại Phú An

Sau một ngày di chuyển lễ bái mệt mỏi, du khách sẽ được nghỉ ngơi trong các Villa sang trọng, yên tĩnh.

Du khách cũng sẽ được trải qua quy trình chăm sóc sức khỏe toàn diện gồm: Thăm khám Y học cổ truyền; Uống sản phẩm thải độc; Ngâm tắm thảo dược; Xông hơi thải độc; Massage trị liệu; Ăn món ăn vị thuốc… Giúp cảm nhận sự thư giãn, thoải mái tinh thần và sự phục hồi, tái tạo về thể lực, xua tan mọi căng thẳng, mệt mỏi.

Để đặt phòng và đặt bàn trước, du khách vui lòng liên hệ Hotline 0813.381.567 hoặc 0377.288.388.

Du khách cũng có thể truy cập thêm các địa chỉ sau để có thêm thông tin chi tiết:

Fanpage của Resort Đại Phú An: https://www.facebook.com/DulichchuabenhDaiPhuAn