Vén lên bức màn huyền bí về nghi lễ cúng rừng của người Mông tại Nà Hẩu.

Khi hoa đào nở trắng rừng Tây Bắc, cũng là lúc đồng bào dân tộc Mông vùng Tây Bắc hớn hở chuẩn bị cho một mùa xuân mới với bao phong tục, tập quán mang đậm giá trị văn hóa độc đáo. Trong đó, có một nghi lễ mà tất cả mọi người đều đón chờ. Đó là lễ cúng rừng hay còn gọi là Tết rừng Nà Hẩu.

Nguồn gốc Nghi lễ Cúng Rừng.

Đặt chân tại mảnh đất Yên Bái đã gần 60 năm, Đại Phú An có mối quan hệ rất mật thiết với các dân tộc anh em sinh sống tại nơi đây. Đặc biệt là người Mông. Bởi vậy, để chuẩn bị cho chuyến đi lần này, chúng tôi đã tới tận bản để tìm hiểu.

Tại đây, may mắn thay, đội ngũ Đại Phú An có dịp tiếp xúc, hỏi chuyện với già làng Sùng A Sênh. Ông là một bậc thầy mo có tiếng, đảm nhận là chủ tế trong lễ cúng rừng ở Nà hẩu. 

Hành trình Du Xuân - Tết rừng Nà Hẩu.

Bên tiếng tanh tách của bếp lửa, Già làng trầm ngâm kể lại:

” Trước kia người Mông sống gần các khu rừng đầu nguồn. Chủ yếu dựa vào rừng, nhờ đó có được cuộc sống rất đầy đủ. Nhưng rồi vào một năm, thời tiết hạn hán, ruộng đồng cây cối khô cằn do không có nước. Đồng bào thiếu đói, bệnh tật gia súc chết rất nhiều khiến cuộc sống vô cùng khó khăn.

Bỗng nhiên vào một buổi sáng tinh sương, trong rừng rậm nổi một cơn cuồng phong. Rồi một trận mưa lớn ào ào đổ xuống, đem lại sự hồi sinh cho mảnh đất này. Sau cơn giông xuất hiện một con rồng trắng bay lượn 7 vòng trên bầu trời. Sau đó nó biến mất vào khu rừng rậm. Dân làng tin rằng trận mưa đó là do thần rừng ban phát cho. Từ đó, hàng năm cứ vào ngày cuối cùng của tháng Giêng âm lịch, người dân lại tổ chức Lễ cúng rừng. Và sau lễ cúng này thì sẽ cấm cửa rừng 3 ngày. Bất kỳ một ai cũng không được phép vào rừng phá để thần rừng được nghỉ ngơi”

Nghi lễ trước khi cúng rừng.

“Mỗi đời già làng sẽ được trao lại một dải vải trắng để trang trí bàn thờ thần rừng” – già làng Sùng A Sênh kể lại một cách tự hào khi đang chải chuốt lại thứ mà ông lưu giữ như một báu vật.

Hành trình Du Xuân - Tết rừng Nà Hẩu.
Tấm vải trắng trang trí được Già làng cất giữ cẩn thận

Sáng hôm làm lễ cúng rừng, đầu tiên già làng sẽ phải thắp hương. Cầu khấn tổ tiên để phù hộ cho trời đất thuận hòa, thời tiết thuận lợi. Nhờ đó giúp cho lễ cúng rừng được diễn ra tốt đẹp.

Tiếp đó, già làng ra khỏi nhà, trên tay cầm tấm vải trắng. Ông sẽ đại diện cho bà con dân bản làm thầy mo thực hiện các nghi lễ trong buổi cúng rừng. 

Trong màn sương tinh mơ của núi rừng, các chàng trai đều đeo trên mình những chiếc khèn. Họ say sưa thổi lên những âm thanh được ví như giai điệu của mùa xuân Tây Bắc. Các cô gái trong trang phục truyền thống xúng xính cùng những chiếc lục lạc. Đôi chân múa và ngân nga theo giai điệu khèn. Khi đi theo dự lễ, mỗi người đều phải mang trong mình một túi cơm, rượu, bát đũa cùng với lễ vật được chuẩn bị sẵn. Cứ đi theo bước chân thầy mo từ từ tiến đến khu đất thiêng nơi cửa rừng để làm lễ.

Hành trình Du Xuân - Tết rừng Nà Hẩu.
Bà con dân bản theo chân Thầy mo vào rừng

….

(Mời các bạn đón xem phần 2: Hoạt động cúng rừng tại đây)