Hành trình Du Xuân – Tết rừng Nà Hẩu – Phần 3: Hoạt động văn hóa sau lễ cúng rừng.

Theo tập tục, đồng bào dân tộc Mông trong xã Nà Hẩu nghỉ kiêng ăn Tết rừng ba ngày để tạ ơn thần rừng.

Truyền rằng nếu ai vi phạm những điều cấm kỵ này, người đó cả năm sẽ gặp những điều không may mắn. Còn nếu cố tình vi phạm, bị dân làng phát hiện, thì người vi phạm sẽ phải làm lễ, mời thầy mo đến cúng để tạ tội với thần linh. 

Trong thời gian này, người dân trên địa bàn xã và các xã lân cận đã hòa mình trong khí vui tươi với các tiết mục văn nghệ và hoạt động thể thao mang đậm bản sắc dân tộc như đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ; tham quan, mua sắm tại khu vực chợ quê bày bán các sản vật của người dân bản địa. 

Kéo co là một trong những trò chơi được ưa thích nhất tại đây
Điệu múa khèn đặc sắc bên lửa trại
Một khung cảnh tráng lệ chỉ có vào những ngày Tết

Họ say sưa nhảy múa, hát ca, quên đi những mệt mỏi của cuộc sống thường nhật, nghỉ ngơi cho lại sức trước khi bắt đầu vào vụ mới.

Đây là phong tục đẹp đã có từ lâu đời, là nét văn hóa tín ngưỡng dân gian gắn liền với triết lý “Đa Thần” của cư dân theo nông nghiệp. 

Trải qua thời gian, đến nay tục cúng rừng đã trở thành một nét văn hóa, một sự kiện sinh hoạt cộng đồng không thể thiếu. Là dấu ấn riêng, thể hiện nhân sinh quan sâu sắc, là tín ngưỡng thiêng liêng được truyền qua nhiều thế hệ người Mông ở Nà Hẩu. Từ phong tục truyền thống tốt đẹp này, kết hợp cùng ý thức bảo vệ rừng của người dân, đã làm cho những cánh rừng ở Nà Hẩu mãi xanh.

Dạo quanh Khu Bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu, Yên Bái
Rừng Nà Hẩu vẫn còn nguyên sơ dưới màn sương

Những cánh rừng còn nguyên vẹn, hoang sơ, tán rừng già vẫn tầng tầng, lớp lớp, bên cạnh cuộc sống của người dân bao đời!