Hành trình Du Xuân & Tết rừng Nà Hẩu – Phần 2: Lễ cúng rừng

Có gì đặc sắc trong nghi lễ cúng rừng của người Mông?

Trong bài viết tiếp theo của cuộc hành trình khám phá Tết rừng Nà Hẩu cùng Đại Phú An, chúng ta sẽ đi tìm hiểu kỹ hơn về nghi thức cúng rừng, vốn chỉ lưu giữ ở nội bộ người Mông tham gia nghi lễ nhé.

Nghi lễ cúng rừng bắt đầu.

Tour du xuân - Tết rừng Nà Hẩu
Ảnh minh họa

Khi đến cửa rừng, Thầy mo sẽ phải thổi 3 tiếng tù và bằng sừng trâu. Điều này mang ý nghĩa báo hiệu và xin phép thần rừng. Sau đó, đoàn tiếp tục di chuyển vào sâu bên trong, nơi một gốc cây đã được chọn sẵn. Gốc cây phải là gốc cây to nhất, không bị sâu, tán lá sum suê. 

Theo quan niệm của người dân, gốc cây to nhất này chính là nơi thần rừng trú ngụ và cai quản rừng. Khi đến địa điểm cúng, thầy mo tiến hành công việc trang trí bàn thờ. Đầu tiên là thắp nến, sau đó lấy tấm vải trắng căng lên trên bàn thờ.

Vuông vải trắng này được người dân quan niệm như một “mái nhà” của thần rừng. Thể hiện sự tinh khiết như tấm lòng của người dân tới người bảo hộ của họ.

Hành lễ cúng rừng

Tiếp đó, thầy mo thắp nến, gài tiền mã vào bốn góc bàn, rót bốn chén rượu và 4 nắm xôi. Việc này mang ý nghĩa mời vị thần của bốn phương trời. Sau khi chuẩn bị xong bàn thờ, thầy cúng thắp hương cắm vào 4 cọc. Việc thắp hương được chia làm 2 lần, mỗi lần 24 nén. Điều này thể hiện cho quan niệm tâm linh của vũ trụ, bao gồm bốn phương, tám hướng. Cũng chính là 48 nén hương đã được thắp lên.

Sau đó, thầy cúng tiến hành gõ mõ theo 4 hướng, từ Đông sang Tây, vừa gõ, vừa khấn rằng: 

Tour Du Xuân - Tết rừng Nà Hẩu

“Hôm nay là ngày lành tháng tốt, nhân dân xã Nà Hẩu xin được tiến hành lễ cúng rừng. Xin mời thần rừng cùng các vị thần linh ở bốn phương tám hướng về chứng giám lòng thành của dân bản.”

Nghi thúc cúng lễ hiến sinh.

Hiến sinh gà trống.

Thầy mo bắt hai con gà đã chuẩn bị sẵn. Con gà trống trắng để bên phải, con gà trống đen để bên trái. Đặt sao cho đầu quay vào bàn thờ. Theo quan niệm của người Mông, gà trống màu trắng thể hiện cho sự tinh khiết – thờ thần nước. Trong khi gà trống màu đen như màu của đất – thờ thần đất, thần rừng. 

Cúng xong, thầy mo và các phụ lễ cắt tiết gà. Thầy mo sẽ lấy 3 nhúm lông của gà trống, chấm một ít tiết rồi dính lên gốc cây cổ thụ. Việc này mang ý nghĩa báo với thần rừng về vật cúng tế, và thần rừng đã nhận lễ vật dâng lên. 

Phết tiết gà lên cây để báo với thần Rừng

Sau lễ cúng gà sống là lễ cúng lợn sống. 

Phụ lễ khiêng lợn đặt quay đầu vào bàn thờ. Thầy mo tiếp tục gõ một hồi mõ để báo với thần rừng về nhận lễ. Vừa cúng, thầy mo vừa gõ các hồi mõ về bốn phương tám hướng để trình tấu với các vị thần. Mời các vị thần về nhận các lễ vật tiếp theo của bà con dân bản. 

Sau khi cúng xong, các thầy cúng dùng dao của mình cắt tiết lợn. Lấy tiết bôi vào thân cây cổ thụ, vào 4 cọc và cả vào tiền mã. 

Đến đây, phần lễ hiến sinh, kết thúc. Các phụ lễ sẽ bắt đầu mang gà và lợn về để làm thịt. Sau đó sắp đồ lễ chín để chuẩn bị cho phần cúng chính để tiễn đưa thần rừng, sau khi chứng kiến tấm lòng thành của dân bản.

Nghi lễ cúng chính.

Thầy mo cẩn trọng bày biện các món ăn đã được người dân thành kính đưa lên. Thầy dùng đũa gẩy từng nhúm cơm nếp. Nếu nhúm cơm này rơi xuống, chứng tỏ các vị thần đã nhận lễ và sẽ bảo vệ và che chở cho dân bản suốt 1 năm may mắn. Đến đây, buổi lễ chính kết thúc. Các phần lễ như lợn, gà sẽ được nấu và chia cho mọi người tham gia.

Cả bản bước vào tục cấm rừng trong 3 ngày.

Trong 3 ngày cấm rừng đó, người dân trong bản đều không được vào rừng chặt cây, ngắt lá, dù chỉ là một lá xanh. Không chăn thả gia súc.

Cũng trong 3 ngày này, người dân trong bản tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí, thi đấu thể thao và sinh hoạt văn hóa.

<Đón xem tiếp phần 3 – Các hoạt động sau lễ cúng rừng tại đây>